So sánh chi tiết xe Ford Ranger 2016 và Mitsubishi Triton 2017
Đừng để sự chênh lệch giữa hai cột trong bảng so sánh tính năng an toàn khiến bạn đánh giá thấp Triton, mẫu bán tải Nhật Bản
Vào thời điểm hiện tại, so sánh mọi đối thủ trong phân khúc cùng Ford Ranger chẳng mấy chốc sẽ bị bảo rằng “cáo mượn oai hùm”, nhưng liệu điều đó có thật sự đúng khi mà mỗi chiếc bán tải đều tồn tại ưu và nhược điểm riêng, nhất là với câu nói “Không có chiếc xe nào là hoàn hảo”?
Ngày hôm nay, tôi sẽ đi tìm lời giải cho vấn đề đó với nhân vật ở vào thế khó là Mitsubishi Triton 4×4 AT MIVEC 2017 khi phải đương đầu cùng đối thủ có “hạng cân” nhỉnh hơn – Ford Ranger. Cá nhân tôi nghĩ có lẽ Wildtrak 2.2L 4×2 AT 2016 tỏ ra phù hợp nhất trong đội hình 6 phiên bản Ranger, khoảng chênh lệch về giá không quá xa cũng như các tính năng trang bị và động cơ là ở mức khá tương đồng.
Giá bán
Điểm nhanh qua về giá bán, sau khi Mitsubishi ra mắt phiên bản Triton MIVEC sử dụng động cơ mới, giá bán của chiếc bán tải Nhật Bản tăng nhẹ đôi chút, tương tự như Ford khi đã khéo léo nhích nhẹ cho mỗi phiên bản Ranger 2.2L một đơn vị ở hàng triệu sau ngày 1/7/2016. Hiện nay, hai đối thủ có giá bán như sau:
Ford Ranger Wildtrak 2.2L 4×2 AT 2016: 830 triệu đồng
Mitsubishi Triton 4×4 AT MIVEC 2017: 785 triệu đồng
Ngoại thất
Lướt nhanh qua các thông số kích thước, hẳn phần đông mọi người sẽ nhận ra sự nhỉnh hơn thấy rõ của Ranger Wildtrak so với đối thủ Nhật Bản. Ngược lại, Mitsubishi Triton vẫn có những lợi thế nhất định để so kè cùng “gã hộ pháp” nước Mỹ như nội thất rộng rãi, chiều dài thùng hàng lớn nhưng kích thước bên ngoài lại nhỏ gọn, giúp Triton dễ dàng len lỏi trong không gian hẹp hay bán kính quay vòng nhỏ nhất phân khúc dễ dàng xoay trở ở các ngõ ngách đông đúc.
Ngoài ra, có một yếu tố thường gây thắc mắc cho người mua xe là khoảng sáng gầm của Ranger được Ford Việt Nam công bố chỉ đạt 200 mm – thấp nhất phân khúc, còn tại Thái Lan con số này là 230 và các phép đo thực tế cũng cho kết quả tương tự. Vậy có thể 200 mm chính là khoảng sáng gầm khi xe đủ tải, hy vọng Ford sẽ có sự điều chỉnh để cung cấp thông tin chính xác hơn cho khách hàng.
Quay trở lại với hai nhân vật chính của bài viết, rõ ràng Ranger và Triton hoàn toàn nằm ở hai trường phái thiết kế đối lập. Một cứng cáp khỏe khoắn, một tinh tế trang nhã. Có thể thấy, mẫu bán tải của Ford được xây dựng nhắm đến các khách hàng cá tính, cần một phương tiện thể hiện “cái chất” của bản thân, trong khi đó Mitsubishi vốn vẫn là một hãng xe thích hợp cho những ai ưu thích sự thực dụng ẩn chứa bên trong một dáng vẻ lịch lãm.
Phần đầu xe của Ranger bao gồm các mảng khối đầy đặn, “cơ bắp” trái ngược hoàn toàn với việc Mitsubishi triệt để sử dụng những đường nét uyển chuyển bắt mắt. Trang bị chiếu sáng của Wildtrak 2.2L nhỉnh hơn đối thủ đôi chút khi sử dụng đèn pha Projector, đèn cốt Bi-xenon và dãy đèn LED chạy ban ngày, trong khi đó cụm đèn Halogen của Triton MIVEC vẫn có thể tự động bật tắt nhờ cảm biến ánh sáng, hỗ trợ cho việc đi lại thuận tiện hơn.
Quan sát từ bên cạnh, Ford mang đến cho Wildtrak phong cách trẻ trung năng động nhờ gương chỉnh/gập điện tích hợp đèn báo rẽ và tay nắm cửa được sơn đen bóng, khác với sự tinh tế từ cách Mitsubishi bọc mạ chrome cho hai chi tiết này cũng như vẻ thanh thoát mà thân xe có được nhờ hai đường gân dập nổi cá tính. Soi kĩ hơn bảng thông số, Triton 4×4 AT MIVEC tỏ ra thiệt thòi đôi chút khi chỉ lăn bánh trên mâm hợp kim 17-inch thay vì 18-inch và không có được tính năng sấy gương chiếu hậu như đối thủ.
Đuôi xe là nơi kết thúc cho hạng mục so kè về ngoại thất, và nếu Ranger tiếp tục thể hiện nét cứng cáp, vững chãi với đèn hậu cùng nắp chắn thùng bố trí ngay hàng thẳng lối và cản sau vuông vắn thì Triton duy trì phong thái điệu đà với cụm đèn hậu ôm sát sang hai bên thân xe cũng như cản sau và nắp thùng hàng có nhiều đường nét cắt xẻ táo bạo. Thêm một điểm khác biệt là dãy đèn LED báo phanh của Wildtrak được đặt cao cùng phần phụ kiện trong khi trang bị này ở Triton nằm ngay phía trên tay nắm. Việc này giúp Triton vẫn dễ dàng cảnh báo được cho xe phía sau khi thùng xe chất đầy hàng.
Nội thất
Như đã phân tích về nhóm khách hàng phía trên, tiến vào nội thất điều này càng được thể hiện rõ hơn nữa, từ cách thiết kế cho đến chất liệu mà hai nhà sản xuất sử dụng, hiện đại trẻ trung ở Ranger Wildtrak và thực dụng của Triton MIVEC. Nhìn chung, có thể Ford nhỉnh hơn về danh sách trang bị nhưng có thể nói sự thoải mái cùng các giá trị sử dụng mà Mitsubishi cung cấp cho khách hàng là không hề thua kém.
Không biết các bạn thế nào, riêng cá nhân tôi nếu được lựa chọn sẽ nghiêng về dàn ghế bọc da của Triton 4×4 AT MIVEC hơn là năm vị trí ngồi sử dụng da pha nỉ của Wildtrak 2.2L, lý do chính đến từ cảm nhận sau hành trình dài đồng hành cùng hai mẫu bán tải này. Yếu tố mà Triton hay nói chính xác hơn là Mitsubishi luôn làm tốt chính là sự nâng đỡ tư thế người ngồi rất tốt, càng ngồi càng thích, cả ghế trước lẫn hàng ghế sau với độ ngả lưng tốt hơn. Về phần ghế ngồi của Ranger, tuy vẫn có được thoải mái nhưng tôi vẫn cảm thấy lưng và hông bị hụt hẫng đôi chút, nhất là ghế lái ở Wildtrak 2.2L chỉ có thể chỉnh tay thay vì chỉnh điện như phiên bản cao cấp nhất của Triton.
Bảng tablo của hai chiếc pick-up tiếp tục là sự đối lập về “tư tưởng” dù đều là kiểu thiết kế đối xứng tạo cảm giác mở rộng cho không gian nội thất, Ford duy trì nét gãy gọn, trẻ trung và cứng cáp trong khi Mitsubishi tỏ ra sự phóng thoáng với cách tạo hình khá điệu đà. Cụm điều khiển trung tâm của Wildtrak 2.2L 4×2 AT và Triton MIVEC được tối giản các nút bấm nhờ màn hình cảm ứng đa chức năng, hỗ trợ người lái tốt khi điều khiển xe hơn cũng như hành khách ở ghế phụ cũng có thể dễ dàng sử dụng.
Vô-lăng bọc da ở Wiltrak 2.2L và Triton 4×4 AT MIVEC đều mang thiết kế bốn chấu khỏe khoắn và trẻ trung. Trong đó Mitsubishi mang đến tay lái tạo hình theo ngôn ngữ Dynamic Shield sử dụng trên All-new Pajero Sport giúp nội thất trông hiện đại hơn hẳn. Xét riêng về số nút bấm thì Ford vượt trội hơn hẳn với một loạt những chức năng, tuy nhiên Mitsubishi ngoài trang bị nút điều chỉnh âm thanh cùng cài đặt ga tự động còn bổ sung một thứ “độc quyền” ở phân khúc – hai lẫy chuyển số thể thao. Có thể nói, “mỗi người mỗi vẻ” và cả hai đều có sức hấp dẫn riêng của mình.
Nói không ngoa thì Ford rất biết cách chiều lòng các tín đồ công nghệ, về phía Mitsubishi vẫn là sự lựa chọn dành cho các khách hàng ưu thích sự giản đơn mà hiệu quả. Trang bị mà tôi đang nhắc đến chính là bảng đồng hồ hiển thị, Wildtrak sử dụng hai màn hình đối xứng qua một cụm vận tốc trông rất “high-tech”, phía đối diện Triton cung cấp thông tin cho người lái thông qua một màn hình analog đặt giữa hai cụm vòng tua-vận tốc, cách bố trí mà theo tôi là rõ ràng và lành mạch khi kết hợp cùng cách phối màu mới.
Thiết bị tiện nghi
Ở tính năng giải trí, phiên bản Wildtrak một cầu nhỉnh hơn khi sở hữu hệ thống SYNC 2 độc quyền từ Ford đi cùng tính năng điều khiển giọng nói, kết nối đàm thoại rảnh tay cùng điện thoại thông minh qua kết nối Bluetooth, còn lại Triton MIVEC “ngang tài ngang sức” với trang bị gồm dàn âm thanh 06 loa, hỗ trợ giải trí Radio AM/FM/MP3/iPod/USB/AUX/CD. Tất cả đủ sức giúp hành khách thư giãn trên những chuyến đi xa.
Ford cùng Mitsubishi cung cấp hệ thống điều hòa tự động hai vùng và mẫu xe Hoa Kì có thêm hốc gió phụ phía sau dành cho hành khách, nhưng nhìn chung khả năng làm mát của cả hai chiếc bán tải chênh lệch không quá nhiều, đi lại dưới trời nắng với Triton vẫn thoải mái và dễ chịu với dàn lạnh “có tiếng” của Mitsubishi. Danh sách các tiện nghi còn lại, Wildtrak 2.2L có một điểm trừ đáng tiếc là chỉ sử dụng khóa dạng chìa truyền thống thay vì nút bấm khởi động như đối thủ, ngoài ra thì đại diện của Ranger và Triton cùng có hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control, cửa kính điều chỉnh điện một chạm, cảm biến gạt nước mưa tự động…
Động cơ – Vận hành
Ban đầu, bên cạnh giá bán thì một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều hơn cả đến quyết định chọn ra hai đối thủ cho bài so sánh lần này chính là động cơ. Nếu tôi “ghép” chiếc Wildtrak 3.2L với động cơ 2.5L của Triton thì lại quá thiệt thòi cho anh chàng người Nhật, vậy nên mẫu Wildtrak “đàn em” đã được lựa chọn. Ford và Mitsubishi hẳn nhiên có riêng cho mình những “bí kiếp” riêng về động cơ diesel, vậy nên thông số hiệu năng mà hai mẫu máy dầu có được khá tương xứng với dung tích của bốn xi-lanh.
Lợi thế nhỏ của động cơ 2.2L i4 TDCi là mô-men xoắn tối đa bắt đầu đạt được ở vòng tua thấp và trải dài hơn đối thủ đôi chút, tuy nhiên “trách nhiệm” phải gánh vác lại nhiều hơn khi mà tự trọng của Wildtrak 2.2L là 2.067 (kg) so với 1.830 (kg) của Triton 4×4 AT MIVEC. Vậy nên không ngạc nhiên khi khả năng tăng tốc của Triton là nhỉnh hơn Ranger, nếu không muốn nói là thuộc vào loại tốt nhất phân khúc. Khoảng cách âm thì có thể nói rằng một chín một mười, nếu Ranger vốn được Ford “gia cố” kĩ lưỡng thì nay Triton MIVEC được nâng cấp đáng kể các lớp vật liệu tiêu âm, kết hợp cùng động cơ mới êm ái hơn nên cabin thật sự tách biệt với bên ngoài, ngay cả khi “nhồi ga” tăng tốc.
Xét đến hộp số, sự mượt mà, nhanh nhạy từ sáu cặp bánh răng của Ranger Wildtrak nhỉnh hơn 5 bước chuyển số của Triton MIVEC thật sự là không đáng kể, lý do là Mitsubishi đã “đầu tư mạnh tay” với INVECS II, loại hộp số thông minh có khả năng làm quen và ghi nhớ phong cách lái của người ngồi sau vô-lăng. Nhờ đó mà từng bước chạy, từng cú nhấp phanh hay nhồi ga đều được xử lý khéo léo, tạo nên sự “thân thuộc” giữa người và xe sau một thời gian đồng hành. Ngoài ra, hai lẫy chuyển số như đã nói phía trên chắc hẳn sẽ mang đến cảm giác phấn khởi hiếm gặp ở một chiếc bán tải.
Nếu bạn thích một tay lái tinh tế, “thông minh” thì hãy chọn Wildtrak với hệ thống trợ lực điện sẽ nặng nhẹ tùy theo điều kiện di chuyển, nhàn nhã khi đi chậm và đầm chắc ở tốc độ cao. Còn nếu bạn là một người thích cái thú vô-lăng với cảm giác lái chân thật thì Triton hoàn toàn đáp ứng được điều đó. Vô-lăng trợ lực dầu mà Mitsubishi trang bị cho Triton đã được nhiều tay lái kì cựu công nhận rằng hết sức thú vị, từ phản hồi mặt đường, độ vặn xoắn khi đi qua các mấp mô cho đến cảm nhận về góc đặt bánh xe là gần như hoàn hảo. Ở đây tôi sẽ không nhận định về khả năng đi đường xấu của hai đối thủ, vì dẫu sao một cầu sau dẫn động của Wildtrak 2.2L là không thể theo kịp hệ thống Super Select II với 4 chế độ gài cầu cùng khóa vi sai trung tâm của Triton MIVEC, trang bị mà ngay cả Wildtrak 3.2L 4×4 AT chỉ với 3 nấc gài cầu điện và khóa vi sai cầu sau cũng phải dè chừng.
An toàn
Đừng để sự chênh lệch giữa hai cột trong bảng so sánh tính năng an toàn khiến bạn đánh giá thấp Triton, mẫu bán tải Nhật Bản cùng Ranger đều đã đạt chứng nhận 5 sao về an toàn cùa ANCAP – Tổ chức đánh giá xe mới của Australia. Mặt khác, xét kĩ ta sẽ thấy phiên bản Ranger XLT 4×4 MT với giá bán 790 triệu cũng chỉ nhỉnh hơn Triton MIVEC ở hệ thống phanh BA và cảm biến đỗ xe mà thôi. Mitsubishi thật sự vẫn mang đến sự an tâm cho khách hàng với các tính năng bảo vệ đáng giá như khung xe RISE cứng vững, cửa kính chống kẹt, dây an toàn 3 điểm,…
Kết luận
Lựa chọn cuối cùng vẫn luôn là phần khó khăn hơn cả, nhất là ở một bài so sánh “kì lạ” như thế này, không phải giữa hai phiên bản cao nhất của hai dòng xe đối thủ như thường lệ. Quay lại với mục đích ban đầu, rõ ràng Triton 4×4 AT MIVEC thật sự có được những lợi điểm thiên về tính thực mà không phải mẫu bán tải nào cũng có được, từ nội thất thoải mái, dễ xoay trở, động cơ mạnh mẽ tiết kiệm nhiên liệu và đặc biệt là khả năng vượt địa hình thuộc hàng tốt nhất phân khúc với những tính năng nâng cấp mới từ Mitsubishi.
Về phần Hãng xe Hoa Kỳ, với triết lý “One Ford” họ vẫn đang làm tốt việc mang đến các sản phẩm hiện đại, năng động và đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của nhóm khách hàng đang dần trẻ hóa, điển hình cho thành công đó chính là Ranger nói chung và Wildtrak 2.2L nói riêng, chiếc bán tải vốn hướng đến nhóm khách hàng ưa thích thiết kế mạnh mẽ, chú trọng mặt trải nghiệm với trang thiết bị hiện đại, đa phần sử dụng xe đi lại đơn giản mà ít quan tâm đến khả năng vượt địa hình. Ai cũng có con đường riêng của mình, và đâu là hướng đi mà bạn lựa chọn?
Leave a Reply