So sánh mẫu bán tải giữa Isuzu D-max 4×2 và Mitsubishi Triton 4×2
Hệ thống lái trợ lực dầu của Triton vẫn luôn nằm trong nhóm những vô-lăng cho cảm giác lái tốt nhất phân khúc, mọi yếu tố từ độ nhạy,
Bán tải đang dần trở nên quen thuộc hơn trên đường phố, các mẫu “xe có thùng” không chỉ còn dành để chở hàng, đi công trường hay chinh phục núi rừng. Cùng với nhu cầu đi lại hằng ngày ở đô thị nơi đông đúc, chật hẹp cũng như phục vụ cho nhu cầu kinh doanh đơn giản thì bán tải một số tự động trở thành sự lựa chọn hàng đầu.
Trong bài so sánh lần này, danhgiaXe chọn ra hai đối thủ ở cùng tầm giá, ngang nhau về tính năng và đáp ứng tốt nhất cho tiêu chí “bán tải thành thị” – Isuzu D-max 4×2 và Mitsubishi Triton 4×2.
Giá bán
Tính đến thời điểm hiện tại, cả hai mẫu bán tải nhập khẩu từ Thái Lan đều đang có được lợi thế lớn về giá bán so với các đối thủ khác trong phân khúc. Cụ thể con số dành cho các phiên bản một cầu của D-max và Triton như sau:
Isuzu D-max LS 4×2 MT: 619 triệu đồng
Isuzu D-max LS 4×2 AT: 663 triệu đồng
Mitsubishi Triton 4×2 MT: 595 triệu đồng
Mitsubishi Triton 4×2 AT: 630 triệu đồng
Ngoại thất
Xét về kích thước bên ngoài, Triton vẫn luôn được xem là mẫu bán tải “thấp bé nhẹ cân”, nhưng với việc thường xuyên phải luồng lách trong đô thị thì sự nhỏ gọn này kết hợp cùng bán kính quay vòng như một chiếc SUV thì đây lại là một lợi thế lớn. Không chỉ vậy, tuy thua về kích thước tổng thể cùng chiều dài cơ sở nhưng thiết kế J-line đặc trưng của Mitsubishi vẫn mang đến cho Triton cabin rộng rãi nhất phân khúc và cả thùng hàng tiện dụng hơn D-max. Điểm sáng mà chiếc pick-up của Isuzu có được là khoảng sáng gầm nhỉnh hơn 20 mm, giúp người lái tự tin hơn khi cần leo lề.
Nhìn chung về thiết kế, hướng đến sự thực dụng. Dẫu sao, quan sát kĩ hơn và theo ý kiến cá nhân thì thiết kế của Triton vẫn tỏ ra thanh thoát và lịch lãm hơn so với tổng thể có phần “cục mịch” của D-max, các đường nét được Mitsubishi sử dụng tinh tế và sắc sảo trong khi Isuzu lại có thiên hướng ưu chuộng những góc bo lớn đầy đặn.
Cả Triton cùng D-max đều có điểm nhấn phía trước là lưới tản nhiệt mạ chrome hết sức bóng bẩy và tạo hình liền lạc với hai cụm đèn chiếu sáng, điểm khác biệt là D-max 4×2 trang bị đèn pha Projector còn Triton 4×2 chỉ sử dụng bóng Halogen. Bù lại, đội ngũ thiết kế của Mitsubishi chăm chút tỉ mỉ hơn cho khu vực cản trước với nhiều gân dập nổi đan xen vào nhau và bao bọc lấy đèn sương mù rất bắt mắt. Có thể nói gương mặt của Triton “điển trai” hơn so với vẻ lành tính và trầm ngâm của D-max.
Nhìn từ bên cạnh, D-max “kém” hơn đối thủ đôi chút khi không có hai đường gân dập nổi nhưng lại nhỉnh hơn với đèn báo rẽ bố trí ở gương chiếu hậu, còn lại mọi chi tiết ngoại thất ở các phiên bản 4×2 của hai dòng xe khá tương đồng. Danh sách trang bị tiêu chuẩn ở D-max 4×2 và Triton 4×2 gồm có gương chiếu hậu mạ chrome có tính năng chỉnh điện, tay nắm cửa mạ chrome, mâm xe hợp kim đa chấu kích thước 16-inch và bậc lên xuống cho hành khách.
Cụm đèn hậu của D-max tỏ ra cứng cáp với kích thước và thiết kế gãy gọn hơn so với đối thủ, đổi lại Mitsubishi đã bố trí dãy đèn LED báo phanh phụ ngay trên nắp chắn thùng nhằm tăng khả năng nhận diện cho các phương tiện khác trên đường phố. Và nếu chú ý kĩ hơn, ta có thể thấy được rằng cản sau kiêm bậc lên xuống của Triton có thiết kế tiện dụng hơn, đồng thời phần mép dưới của thùng hàng được vác xéo lên trên tạo nên góc thoát sau vào loại tốt nhất phân khúc.
Nội thất
Như đã phân tích, xét về độ rộng rãi và thoải mái của cabin hành khách thì rõ ràng D-max chưa thể sánh kịp với Triton khi Mitsubishi đã khéo léo sử dụng triết lý J-line để tối ưu hóa mọi ngõ ngách ở khoang lái.
Hai mẫu pick-up sở hữu hàng ghế trước có thể chỉnh tay, hàng ghế sau có gác tay cũng như đủ tựa đầu và sự rộng rãi cho ba hành khách. Và chắc hẳn bạn đã nghe nhắc nhiều đến băng ghế sau có độ nghiêng tựa lưng 25 độ của Triton, một yếu tố tưởng chừng không mấy quan trọng nhưng lại đóng góp rất nhiều vào sự thoải mái khi phải di chuyển liên tục trên quãng đường dài.
Thiết kế bảng tablo có sự đối lập rõ rệt: D-max cứng cáp dứt khoát – Triton thanh thoát tinh tế. Nhưng tựa chung cả hai đều hướng đến sự thuận tiện cho người sử dụng với chất nhựa cứng và tone màu tối, các nút bấm được bố trí gọn gàng, khoa học. Vô-lăng cùng là dạng ba chấu, kích cỡ vừa vặn cho cảm giác điều khiển thoải mái và dễ chịu. Trong ảnh là tay lái ở các phiên bản cao cấp của D-max và Triton với các nút bấm chức năng, trang bị này sẽ không xuất hiện ở các phiên bản một cầu.
Bảng đồng hồ hiển thị của D-max và Triton cùng sử dụng lối thiết kế vòng tua – vận tốc đối xứng qua một màn hình nhỏ hiển thị đa thông tin, nhìn chung đây là cách bố trí đơn giản nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả theo dõi các thông số tốt nhất cho người lái. Khác đôi chút là Isuzu bố trí hai cụm vòng tròn hạ thấp và bị che mất một phần thay vì hiện rõ đầy đủ như của Triton.
Trang bị tiện nghi
Ở tính năng tiện nghi, mọi thứ đều ở mức vừa đủ để phục vụ nhu cầu sử dụng cơ bản của khách hàng. D-max 4×2 và Triton 4×2 cùng được trang bị điều hòa một vùng nhưng Isuzu hào phóng hơn đôi chút khi cung cấp điều hòa tự động thay vì chỉnh tay như Mitsubishi. Về khả năng giải trí, bản Triton 4×2 AT tỏ ra vượt trội hơn ba mẫu xe còn lại trong bài viết với màn hình cảm ứng đa chức năng cùng đầu DVD/Bluetooth/AUX/USB/Radio và 4 loa âm thanh, trong khi đó người anh em Triton 4×2 MT chỉ sử dụng đầu CD/USB/AUX và 2 loa âm thanh.
Còn đối với cặp đôi D-max LS 4×2, hệ thống DVD 2DIN với màn hình cảm ứng là tùy chọn dành cho khách hàng để phục vụ cho nhu cầu nghe nhìn của bản thân và gia đình. Ngoài ra, hai hãng xe Nhật Bản cũng không quên bố trí các ngăn để đồ, hốc để ly cũng như cửa kính chỉnh điện cho các mẫu bán tải một cầu của mình, giúp người sử dụng thuận tiện hơn trong các chuyến đi.
Động cơ – Vận hành
Trong ba mẫu động cơ diesel ở bảng so sánh, 4D56 – High Power của Triton 4×2 AT mạnh mẽ hơn cả với 176 mã lực và 400 Nm nhờ công nghệ turbo tăng áp biến thiên VGT, ở bộ ba còn lại động cơ 2.5L của D-max và Triton cung cấp mã lực và mô-men xoắn khá tương đồng, đủ để khách hàng di chuyển trong các đô thị hằng ngày và đôi khi có những chuyến đi chơi xa cuối tuần. Anh chàng Triton 4×2 AT này còn sử dụng hộp số thông minh INVECS II có khả năng “học hỏi” phong cách lái của chủ xe và đáp ứng nhịp nhàng, khéo léo trong quá trình vận hành, trong khi đó hộp số tự động 5 cấp của Isuzu do tập trung vào việc tối ưu khả năng tiết kiệm.
Hệ thống lái trợ lực dầu của Triton vẫn luôn nằm trong nhóm những vô-lăng cho cảm giác lái tốt nhất phân khúc, mọi yếu tố từ độ nhạy, phản hồi từ mặt đường cho đến sự phấn khích cho người lái, mọi thứ đều đáng nhận được lời khen, trong khi đó tay lái của D-max lại tỏ ra thiếu nhạy bén, khi đánh lái gấp ở tốc độ cao dễ dàng nhận thấy vài giây trễ trước khi xe chuyển hướng. Có thể thấy Mitsubishi đã đầu tư mạnh tay cho bản Triton một cầu số tự động khi phiên bản này chỉ thiếu mỗi hệ thống dẫn động Super Select II để trở thành chiếc bán tải đầu bản Triton 4×4 AT.
Đặt lên bàn cân hai đối thủ, khả năng chuyên chở của D-max LS 4×2 kém hơn Triton 4×2 vài trăm Kg theo như công bố từ nhà sản xuất, cụ thể tải trọng hàng và người mà bốn mẫu xe có thể “gánh vác” được như sau:
Isuzu D-max LS 4×2 MT: 900 Kg
Isuzu D-max LS 4×2 AT: 875 Kg
Mitsubishi Triton 4×2 MT: 1.055 Kg
Mitsubishi Triton 4×2 AT: 1.025 Kg
Kết quả này có được không chỉ nhờ tự trọng nhẹ hơn của Triton mà còn là từ hệ thống treo và khung gầm tốt, được tối ưu hóa cho khả năng chuyên chở cũng như sự ổn định trên nhiều điều kiện đi lại khác nhau. Bên cạnh đó cách âm cũng là một yếu tố mà D-max thua thiệt so với các đối thủ.
An toàn
Danh sách các tính năng an toàn của bốn phiên bản D-max và Triton một cầu tỏ ra ngang sức, đủ để hành khách an tâm trên những chuyến đi của mình. Có một điểm đáng chú ý là nếu đã bổ sung tùy chọn màn hình cảm ứng với D-max, bạn sẽ có thể gắn thêm camera lùi để hỗ trợ tốt hơn cho người lái.
Kết luận
Sau tất cả, D-max 4×2 tỏ ra phù hợp hơn cả để sử dụng mục đích thiên về kinh doanh nhiều hơn như đặc trưng vốn có mà các dòng xe Isuzu được xây dựng hướng đến để tối ưu chi phí sử dụng. Trong khi đó Triton không chỉ là một sự lựa chọn đáp ứng tốt về tiêu chí bền bỉ và tiết kiệm, bên cạnh còn phù hợp cho các gia đình với cabin rộng rãi thoải mái hơn, khả năng vận hành linh hoạt, ổn định hơn trong điều kiện di chuyển hằng ngày cùng lợi thế về giá bán.
Leave a Reply